GAMIFICATION – MÔ HÌNH “TRÒ CHƠI HÓA” TRONG CHIẾN LƯỢC TIẾP THỊ THỜI ĐẠI MỚI

Tận dụng những lợi thế của thời đại số, ngày càng nhiều các tiến bộ kỹ thuật được các doanh nghiệp ứng dụng vào Marketing nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng và đảm bảo mục tiêu phát triển doanh số. Gamification là một trong những chiến lược sáng tạo, đổi mới của thời đại và được khéo léo tận dụng như một nghệ thuật giữ chân khách hàng. Đánh vào những nhu cầu tâm lý cơ bản, Gamification không chỉ là một xu hướng mang tính tạm thời mà còn là chiến lược lâu dài góp phần tạo đòn bẩy gia tăng hiệu quả Marketing. Vậy Gamification là gì? Tiềm năng và hiệu quả của Gamification Marketing sẽ ra sao khi được ứng dụng vào doanh nghiệp? Hãy cùng Margroup tìm lời giải ngay trong bài viết này nhé!

 

GAME HOÁ TRẢI NGHIỆM KHÁCH HÀNG TRONG BỐI CẢNH SỐ HOÁ

Gamification (Trò chơi hóa) là phương pháp áp dụng các yếu tố trò chơi (game) như kỹ thuật, cách chơi vào các môi trường phi trò chơi (non-game) nhằm thu hút, nâng cao trải nghiệm và giúp thương hiệu có thể khắc sâu vào tâm trí khách hàng. Khác với game giải trí thông thường, Gamification Marketing sử dụng những nội dung có sẵn có trong doanh nghiệp, thương hiệu (content, quà tặng, voucher…), từ đó khai thác theo nhiều định hướng khác nhau để tạo ra những phần thưởng, luật chơi giúp đạt được mục tiêu đề ra của doanh nghiệp. 

Nổi lên như một xu hướng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử, Gamification Marketing đã trở thành công cụ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng và được áp dụng vào nhiều lĩnh vực kinh doanh trên các nền tảng số. Trên thực tế, thị trường Gamification toàn cầu được dự đoán sẽ tăng từ 9,1 tỷ USD vào năm 2020 lên 30,7 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 27,4%. Ngoài ra, Gamification Marketing vẫn sẽ tiếp tục trở thành một công cụ Marketing được ứng dụng rộng rãi bởi theo khảo sát từ Gartner, khoảng 81% doanh nghiệp đang gia tăng tỷ lệ cạnh tranh bằng cách nắm bắt xu hướng trải nghiệm khách hàng.

KHI NỀN TẢNG TÂM LÝ LÀM NÊN GIÁ TRỊ LÂU DÀI

Gamification không chỉ là một xu hướng, đây còn là một bước chuyển quan trọng trong cách thức Marketing khi khai thác cốt lõi tâm lý và hành vi của con người. Điều này giúp Gamification nâng cao vị thế khi thực sự trở thành một chuyến thuật dài hạn thay vì tạm thời hay “lâu lâu làm một lần”. Nền tảng tâm lý của Gamification xuất phát từ việc thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người dựa và một trong những lý thuyết chủ chốt thuyết Tự xác định (Self-Determination Theory) với 3 nhu cầu tâm lý.

Chúng ta có nhiều động lực hơn khi được tự lựa chọn điều mình làm và game hóa mang lại cảm giác tự chủ (autonomy) bằng cách cho phép chúng ta đưa ra quyết định trong quá trình chơi game, kể cả việc tiếp tục chơi hay dừng lại. Bên cạnh đó, những thử thách phù hợp với trình độ kỹ năng cùng với các cơ chế điểm, huy hiệu, bảng xếp hạng,… của game giúp người chơi có cảm giác thành tựu và chinh phục được những điều bản thân mong muốn (competence). Game hoá cũng thúc đẩy nhu cầu kết nối và được là một phần của cộng đồng (relatedness) bằng cách kết hợp các yếu tố xã hội, như cho phép người chơi hợp tác, cạnh tranh với nhau, hoặc chia sẻ thành tựu với bạn bè.

Ngoài ra, Gamification là một công cụ Marketing hiệu quả vì tạo ra một không gian giải trí thư giãn và giúp người chơi có thể tiếp nhận mội dung Marketing trong trạng thái tinh thần thoải mái, thư giãn. Một khía cạnh tâm lý quan trọng khác là trạng thái dòng chảy (state of flow) – một trạng thái chìm đắm hoàn toàn và tập trung vào một hoạt động. Game hoá tạo nên trạng thái này bằng cách cung cấp cho người dùng mục tiêu, tương tác sinh động, thử thách thú vị và theo mức độ khó dần về kỹ năng. Từ đó, người chơi sẽ dễ dàng tiến vào trạng thái dòng chảy và tiếp tục trò chơi để có được trải nghiệm vui vẻ và thỏa mãn. 

MANG GAME VÀO TIẾP THỊ, DOANH NGHIỆP CÓ ĐƯỢC GÌ?

Việc ứng dụng Gamification vào tiếp thị có thể được xem là nghệ thuật giữ chân khách hàng bởi nếu được tận dụng hiệu quả thì lợi ích từ việc nâng cao trải nghiệm khách là không hề nhỏ. Game hoá giúp gia tăng tương tác với khách hàng thông qua những trò chơi hấp dẫn, kích thích người chơi ở lại nền tảng và khuyến khích họ chia sẻ với bạn bè. Chương trình tích điểm đổi quà, xếp hạng trong các trò chơi cũng giúp doanh nghiệp mang lại cho khách hàng cảm giác họ quan trọng, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lòng trung thành của họ với thương hiệu. Gamification Marketing còn có khả năng thúc đẩy tỷ lệ chuyển đổi bởi thông điệp được truyền tải một cách tự nhiên, dễ nhớ và tạo cảm xúc tích cực, thúc đẩy hành động như là mua sản phẩm. Lấy ví dụ Starbucks khi triển khai gamification trên ứng dụng Starbucks Rewards đã ghi nhận doanh thu tăng 2,65 tỷ USD và thu hút thêm 25% khách hàng trung thành (Gamify, 2021).

Trong một chiến dịch Marketing, Gamification có thể được sử dụng để kết hợp hoạt động online và offline một cách thống nhất và mượt mà. Các chỉ số của Gamification marketing như lượt truy cập, chia sẻ, tham gia có thể dễ dàng đo lường và kiểm soát, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chiến dịch một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Gamification giúp thu thập thông tin hành vi và cá nhân của khách hàng một cách tự nhiên thông qua việc chơi game, từ đó cung cấp dữ liệu cần thiết để tối ưu hóa chiến dịch trong tương lai.

CHỌN SÁNG TẠO, VƯỢT THÁCH THỨC ĐỂ KIẾN TẠO

Trong quá trình ứng dụng Gamification, các doanh nghiệp cũng rất dễ gặp phải những thách thức khiến việc tận dụng hiệu quả của công cụ Marketing trở nên khó khăn hơn. Doanh nghiệp cần phải tìm ra điểm cân bằng giữa sự đơn giản, dễ hiểu của trò chơi và việc truyền đạt đầy đủ thông điệp một cách sáng tạo và bắt mắt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không nên lạm dụng quá mức game hoá để tránh tạo cảm giác ép buộc, đánh mất những cảm xúc tích cực ban đầu và gây chán nản. 

Yếu tố kỹ thuật cũng cần được quan tâm sát sao để mang lại trải nghiệm mượt mà cho khách hàng, hạn chế tối đa việc tạo những cảm xúc tiêu cực cho người chơi hay rủi ro về bảo mật thông tin khách hàng. Đồng thời, bản chất Gamification chính là game nên cũng cần được đổi mới và nâng cấp liên tục để luôn mang lại cho người chơi cảm giác hứng thú và muốn chinh phục. Do vậy, việc nắm bắt thị hiếu của khách hàng mục tiêu là vô cùng quan trọng đối với các nhà phát triển về lĩnh vực này để tạo ra một chiến dịch Gamification Marketing thú vị, độc lạ, và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp. 

LỜI KẾT

Để tồn tại và phát triển lâu dài, các doanh nghiệp cần luôn theo kịp và đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng. Với những tiềm năng, hiệu quả đáng kể trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng và đáp ứng những nhu cầu tâm lý cơ bản, Gamification Marketing ngày càng cho thấy vị thế quan trọng trong lĩnh vực Marketing. Liệu tương lai của Gamification sẽ ra sao trong một thời đại kỹ thuật số luôn đổi mới và sáng tạo? Hãy chia sẻ với Margroup và đừng quên chia sẻ những góc nhìn mới của bạn về Gamification Marketing nhé!

 

Biên tập: Tú Uyên, Nguyên Hân

Thiết kế: Phương Mai

Nguồn: Gamify, Advertising Vietnam, Brands Vietnam




/HTTT/ JobsGO – Việc làm tìm đến bạn

/HTTT/ JobsGO – Việc làm tìm đến bạn

November 4, 2024

JobsGO - Kênh thông tin tuyển dụng và việc làm dành cho mọi Doanh nghiệp và Ứng viên lần đầu ra ra mắt ứng dụng việc làm trên di động vào năm 2017 và đạt được cột mốc với hơn 1 triệu người dùng chỉ

THE BODY SHOP VÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH ĐẾ CHẾ “XANH”

THE BODY SHOP VÀ HÀNH TRÌNH TRỞ THÀNH ĐẾ CHẾ “XANH”

August 21, 2024

Đứng trước sự cạnh tranh không ngừng nghỉ của vô vàn các ông lớn trong lĩnh vực làm đẹp, The Body Shop vẫn giữ vững “ngôi vương” trên thị trường này. Với mong muốn được song hành cùng tinh thần vì cộng đồng và môi

CHIẾN LƯỢC “BACK TO BASICS” VÀ CUỘC LỘT XÁC NGOẠN MỤC CỦA OATLY

CHIẾN LƯỢC “BACK TO BASICS” VÀ CUỘC LỘT XÁC NGOẠN MỤC CỦA OATLY

August 8, 2024

Đi ngược lại với số đông, giữa những xu hướng xây dựng thương hiệu hào nhoáng và phức tạp, Oatly chọn cho mình lối đi riêng với chiến lược “Back To Basics” quay trở về với cội nguồn, với những điều “giản đơn” mà đầy

Share on facebook
Share on email
Share on linkedin
Shopping Basket