Margroup_Nestle (2)

Nestlé: Đâu Nhất Thiết Phải Vàng Hay Đỏ, Tết Còn Có Thể “Xanh”

Đối diện vấn đề suy thoái của môi trường, các doanh nghiệp đang hướng đến xây dựng và phát triển chuỗi giá trị bền vững và lâu dài. Nắm bắt được điều này, Nestlé đã tác động bằng việc mở ra chiến dịch Tết Xanh với thông điệp:“Trao điều lành – Đón lộc xanh” với mong muốn phát triển các giá trị xã hội. Hãy cùng Margroup khám phá những điều lành mà Nestle đã trao và cách nhãn hàng đã truyền tải rộng rãi thông điệp sống xanh đến với mọi người thông qua chiến dịch Tết này nhé!

PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG, GIẢI PHÁP CHO CHIẾN DỊCH TẾT

Ngày nay, toàn cầu hóa mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn đa quốc gia phát triển. Môi trường làm việc đa văn hóa thúc đẩy gia tăng tính bền vững hơn bao giờ hết, đòi hỏi các doanh nghiệp phải cân bằng được giữa lợi nhuận, môi trường và con người. Nhằm bắt kịp xu hướng, Nestlé – doanh nghiệp đa quốc gia đã có vị thế vững chắc và hơn 150 năm kinh nghiệm trong thị phần thực phẩm và đồ uống, luôn tìm cách theo đuổi sự phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển bền vững của Nestlé hướng đến cách tiếp cận toàn diện thông qua việc mang lại giá trị cho doanh nghiệp và xã hội, tập trung tái tạo, tái sinh hệ sinh thái. Với chiến lược đề ra, Nestlé cần tạo cho mình một “chất xúc tác xanh” đủ ấn tượng để truyền tải thông điệp về môi trường của họ đến với người tiêu dùng. Đối mặt với sự bão hòa ý tưởng về chiến dịch Tết khi người người, nhà nhà đều xoanh quanh câu chuyện thông điệp về gia đình trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, Nestlé đã khôn ngoan khi quyết định đưa tính bền vững vào chiến dịch Tết của họ. Chiến dịch “Trao điều lành – Đón lộc xanh” ra đời như một giải pháp toàn vẹn cho vấn đề phát triển bền vững và sự bão hòa ý tưởng của Nestlé về Tết trong những năm gần đây.

NESTLÉ: “GIA VỊ” MÙA TẾT THÊM ĐỦ ĐẦY VỚI SẮC XANH AN LÀNH

Tết không chỉ tràn ngập trong màu vàng đỏ đặc trưng, Nestlé đã mang lại làn gió mới với sắc xanh an lành trong chiến dịch Tết “Trao điều lành – Đón lộc xanh”. Từ những thay đổi qua các bao bì sản phẩm, đến những giá trị các sản phẩm mang lại, mỗi sản phẩm của nhãn hàng không chỉ thêm “xanh” căn bếp mà còn cho cả cộng đồng. Màu sắc và vật liệu của sản phẩm là giải pháp bao bì bền vững được Nestlé đề ra nhằm nâng cao nhận thức, đồng thời tạo thuận lợi cho việc tái chế, hướng đến tương lai không rác thải. 

Với trách nhiệm của một “Doanh nghiệp bền vững nhất Việt Nam 2021”, Nestlé đã củng cố cương vị của mình bằng việc tạo ra những giá trị mang tính thiết thực đến với môi trường và cộng đồng. Nhãn hàng cam kết mỗi sản phẩm tiêu thụ sẽ được trích 10.000 đồng vào quỹ để trồng rừng phòng hộ, hỗ trợ canh tác cà phê bền vững, và những phần quà tri ân đến công nhân môi trường. Đây thực chất là việc làm giúp tái tạo tương lai, phát triển các giá trị bền vững, đồng thời, phát triển cộng đồng người tiêu dùng xanh, tạo nên các tác động tích cực đáng kể đến với môi trường. 

Nắm bắt được mong muốn của khách hàng, Nestlé đã vận dụng tốt cơ hội để triển khai các hoạt động giúp người tiêu dùng gián tiếp đóng góp giá trị cho cộng đồng. Ngoài ra, nhờ vào TVC “Trao điều lành, đón lộc xanh” cùng trào lưu “Môi xanh đón Tết” với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng đồng loạt thay đổi ảnh đại diện, chiến dịch của Nestlé đã dần phủ sóng trên các nền tảng mạng xã hội, và tăng được sự nhận thức cũng như có những ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

NESTLÉ: SUY NGHĨ KHÁC BIỆT TẠO NÊN THÀNH CÔNG

Tết luôn là dịp tiêu dùng cao điểm gây tác hại nhiều nhất tới môi trường, khi lượng rác thải trong những ngày Tết có thể lớn gấp 3 lần so với ngày thường. Thấu hiểu điều này, Nestlé đã khéo léo trong việc mở rộng suy nghĩ của mọi người về Tết. Tết là lúc đi trở về nhà – không còn chỉ là nhà riêng của mỗi gia đình, mà đồng thời còn là ngôi nhà chung của con người – Trái đất. Điều này đã tạo nên được sự đột phá của chiến dịch trong khi cách tiếp cận vẫn giữ được giá trị truyền thống của ngày Tết. 

Nestlé đã vượt ra khỏi lối mòn của các chiến dịch Tết khi thông điệp không chỉ xoay quanh câu chuyện về gia đình và những màu sắc đỏ, vàng mà thay vào đó là câu chuyện của xã hội, của một cuộc sống xanh. Xanh trên những “chiếc áo mới” của sản phẩm Nestlé. Xanh của những cánh rừng phòng hộ mà chiến dịch đã trồng được, trang trại cà phê bền vững hay vườn nguyên liệu ngọt lành. Xanh còn được thể hiện qua lối sống xanh trong giới trẻ, một lối sống tích cực, bảo vệ thiên nhiên mà Nestlé đã và đang mang lại thông qua chiến dịch “Trao điều lành – Đón lộc xanh”. 

Nhờ sự sáng tạo độc đáo trong chiến lược, thấu hiểu được tâm lý khách hàng và xu hướng tiêu dùng, chiến dịch Tết “Trao điều lành – Đón lộc xanh” đã mang lại được nhiều thành công trong năm 2022. Sau vỏn vẹn 2 tháng triển khai, TVC của chiến dịch đã cán mốc 10 triệu lượt xem trên nền tảng Youtube. Các sản phẩm của nhà Nestlé trở nên ấn tượng và khác biệt so với các thương hiệu khác trong dịp Tết, không chỉ giải bài toán bán hàng mùa Tết mà có thể tận dụng dịp Tết để giúp thương hiệu xây dựng sự tin tưởng và thúc đẩy các hành động lớn lao. Về mặt môi trường, chiến dịch đã nhận được hơn 60.000 lượt quyên góp, hỗ trợ 3.000 phần quà đến tay công nhân vệ sinh môi trường, trồng mới 8.000 cây cho rừng phòng hộ và đóng góp hơn 500.000 hạt giống phục vụ cho việc sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam.

Lời kết

Điểm lại những nét nổi bật của chiến dịch Tết Xanh 2022 “Trao điều lành – Đón lộc xanh”, Nestlé đã thực thi những thay đổi từ diện mạo của sản phẩm, đổi mới thêm về định nghĩa ngày Tết, và triển khai các hoạt động vì môi trường. Với những thành công cùng sự ảnh hưởng tích cực của chiến dịch Tết 2022, Nestlé đã tiếp tục vận dụng chiến thuật cũ vào mùa Tết năm 2023, với thông điệp “Tết nào cũng được, miễn là Tết xanh”. Hãy cùng Margroup đón chờ “ông lớn” Nestlé sẽ tung ra những chiến lược hấp dẫn gì trong chiến dịch tết 2024 nhé!

Biên tập: Gia Hưng, Nhật Thương

Thiết kế: Minh Thành, Bảo Duy

Nguồn: BrandsVietNam, Vietcetera, Zing news, Marketingtrips

BANNER (4)

Shopee: Bí Quyết Thành Công Giữa Đại Dương Đỏ

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ lâu đã được xem là một  “đại dương đỏ” khi mà các đối thủ đáng gờm đều đã nắm giữ thị phần riêng và cạnh tranh khắc nghiệt. Dù mới chỉ gia nhập thị trường từ năm 2015, Shopee đã nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với những chiến lược phát triển đột phá. Không chỉ có thể tồn tại và chen chân giữa thị trường rộng lớn này, điều gì đã khiến Shopee thành công vụt lên như một điểm sáng giữa đại dương đỏ đầy cạnh tranh?

(*) Đại dương đỏ: những thị trường truyền thống dần đã lấp đầy đối thủ và được khai thác rất kỹ. 

HÀNH TRÌNH DẪN ĐẦU THỊ TRƯỜNG E-COMMERCE CỦA SHOPEE

Shopee là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á và Đài Loan, với khoảng 6 triệu nhà bán lẻ, bao gồm hơn 7.000 thương hiệu và nhà phân phối khác nhau. Theo số liệu báo cáo năm 2020 của Q&Me, Shopee hiện đang chiếm lĩnh vị trí số 1 trên bảng xếp hạng “Những trang thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam”. Để “sống sót” trong ngành công nghiệp này, chìa khóa duy nhất là hiểu biết sâu sắc và có tầm nhìn xa trông rộng,  tận dụng tốt tiềm năng từ những khía cạnh trong ngành.

Với Shopee, họ đột phá từ sự khác biệt, tận dụng lợi thế của người gia nhập muộn. Từ những xu hướng và dự đoán đang diễn ra sôi nổi trong thị trường thương mại điện tử, đội ngũ chuyên gia phân tích sẽ tạo ra nhiều chiến lược hiệu quả và khác biệt so với đối thủ. Từ đó, Shopee sẽ giúp khách hàng trải nghiệm nhiều dịch vụ đa dạng, thú vị, được cải thiện theo thời gian. 

TẬN DỤNG NGUỒN VỐN ĐỂ RÓT TIỀN ĐÚNG CHỐN

Người bán thường có xu hướng trải nghiệm nhiều ứng dụng bán hàng khác nhau để chọn ra nền tảng thương mại mang lại cho họ nhiều lợi ích và phải chịu khoản chi phí hoa hồng thấp nhất. Chính vì vậy, Shopee đã hạ thấp số tiền hoa hồng mà người bán phải chịu để đổi lại sự trung thành từ họ.

Giao hàng miễn phí đã trở thành chiến lược khuyến mãi phổ biến trên các nền tảng mua sắm trực tuyến. Đánh vào tâm lý tiêu dùng của khách hàng, Shopee đã “rót tiền” đúng chỗ khi thực hiện dịch vụ này khiến người mua cảm thấy bớt đi nỗi lo về những chi phí ẩn, đồng thời là động lực để họ chuyển đổi mong muốn mua sắm thành hành động nhanh hơn. Ngoài ra, ưu đãi còn giúp các nhà cung cấp trên Shopee tăng thêm doanh thu đáng kể. 

CHUYỂN ĐỔI DI ĐỘNG THÔNG MINH, CHINH PHỤC TRÁI TIM KHÁCH HÀNG 

Tận dụng thời điểm thâm nhập thị trường muộn, Shopee đã quyết định tiên phong hình thức mua sắm trên nền tảng di động để tiếp cận sâu hơn với người dùng Đông Nam Á, khu vực có tỉ lệ sử dụng điện thoại cao nhất. Việc mua sắm không đơn giản chỉ trên ứng dụng thông thường, Shopee đã tiến xa hơn đối thủ bằng cách thiết kế trải nghiệm khách hàng chủ yếu trên nền tảng di động. Điều này giúp thương hiệu nhận lại được nhiều phản hồi tích cực qua nhiều lợi ích như thao tác đơn giản, tiết kiệm thời gian, giao diện dễ tiếp cận và có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. 

Đặc biệt, Shopee tập trung vào mô hình Gamification để thu hút sự chú ý của người dùng mở ứng dụng đều đặn vào mỗi tháng. Gamification hay “game hoá” là việc ứng dụng các cơ chế của game vào hoạt động marketing, giáo dục hay quản trị được tích hợp vào các ứng dụng mobile, website, …. Đây chính là công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc gây hứng thú cho người tiêu dùng, khắc sâu thương hiệu vào tâm trí khách hàng. Đơn cử là Shopee Shake, khách hàng thường tham gia lắc điện thoại vào nhiều khung giờ khác nhau để nhận được nhiều xu nhất có thể. Từ những tương tác và trải nghiệm tuyệt vời, về lâu dài thì điều này sẽ giúp thiết lập thói quen sử dụng ứng dụng mỗi ngày của khách hàng. 

BẮT LẤY CƠ HỘI TỪ SAI LẦM CỦA ĐỐI THỦ

Thời điểm khi các thương hiệu khác bắt đầu phát triển chương trình khuyến mãi ngày siêu mua sắm 11/11 hay 10/10, Shopee cũng bắt kịp xu hướng, tham gia vào cuộc chiến và chọn ngày 09/09 để làm chiến dịch khuyến mãi đầu tiên. Để có thể chạy các chiến dịch lễ hội như vậy là cả một sự nỗ lực lớn đến từ đội ngũ nhân viên và các nhà quản lý, nhưng đổi lại là doanh thu đặc biệt tăng đáng kể so với ngày bình thường trung bình 5-10 lần, một số chuyên gia dự đoán con số này có thể lên tới 30 lần. 

Với những thành công lớn từ chiến dịch 9/9, không ngạc nhiên khi Shopee bắt đầu mở rộng thêm nhiều chương trình khuyến mãi thành mỗi tháng một lần (trừ ngày 1/1). Tuy không dễ thực hiện nhưng đây được xem là cách hiệu quả nhất mà họ có thể triển khai để vượt lên các đối thủ, giữ vị trí cạnh tranh dẫn đầu trong đại dương đỏ và nhận được nhiều sự chú ý từ người tiêu dùng.

Không chỉ vậy, trong khi đối thủ còn đang “ngủ yên trên chiến thắng”, Shopee đã nhận thấy được tầm quan trọng cũng như sức ảnh hưởng lớn của đại sứ thương hiệu trong việc tăng doanh thu và uy tín của doanh nghiệp. Vào năm 2018, Shopee đã cộng tác với BlackPink để quảng bá chiến dịch khuyến mãi cuối năm 12/12. Đây là chiến dịch đại sứ thương hiệu khu vực đầu tiên được triển khai trên Đông Nam Á, đánh dấu cột mốc  “khởi sắc” và mang lại nguồn doanh thu khổng lồ cho thương hiệu này. 

Lời kết

Tồn tại và phát triển trên đại dương đỏ khắc nghiệt luôn là một thử thách lớn, nhất là đối với thị trường thương mại điện tử cạnh tranh . Việc thiết lập chiến lược hiệu quả phù hợp với hành vi khách hàng và đón đầu xu hướng mua sắm online là bí quyết để các thương hiệu vực dậy trong thị trường đầy cạnh tranh. Shopee vẫn giữ vững vị trí trên sàn thương mại điện tử, mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt nhất nhờ vào các chiến lược tối ưu của mình. Những bước đi thông minh này cho thấy tham vọng xây dựng một hệ sinh thái lớn mạnh của shopee – sàn thương mại điện tử dẫn đầu thị trường Việt Nam.

Biên tập: Thùy Chang, Minh Luân

Thiết kế: Hữu Danh

Nguồn: wetransform.vn, apacmarketers.com

banner Grab

CÂU CHUYỆN CHẠM ĐẾN THÀNH CÔNG CỦA GRABFOOD VÀ CHIẾN DỊCH TVC TRIỆU VIEW “ĐỪNG BỎ BỮA”

Giữa sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành Food Delivery như hiện nay, GrabFood vẫn giữ vững “ngôi vương” trên thị trường này. Có thể nói, chính những chiến lược thông minh, đặc biệt là những chiến dịch truyền thông hiệu quả đã giúp GrabFood ngày càng khẳng định mình.Trong đó, chiến dịch TVC triệu view “Đừng bỏ bữa” như một bước “vươn tầm” của GrabFood khi đánh trúng tâm lý khách hàng – những người bận rộn giữa guồng quay hối hả của cuộc sống. Vậy hành trình xây dựng thương hiệu và giữ vững vị thế thành công như ngày hôm nay của Grab đã bắt đầu ra sao và GrabFood đã áp dụng những yếu tố, chiến lược truyền thông đặc biệt nào? Hãy cùng Margroup khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!

 

HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CỦA GRAB

Bắt đầu với suy nghĩ nhỏ làm sao để mọi người có thể di chuyển dễ dàng hơn và làm thế nào để giúp các bác tài có điều kiện làm việc tốt hơn, Grab đã ra đời như một ứng dụng hỗ trợ đặt Taxi và xây dựng trụ sở đầu tiên tại một nhà kho thuê tạm ở Malaysia. Những thành công lớn đôi khi chỉ bắt đầu với những thứ nhỏ bé, qua từng bước phát triển, Grab đã mở rộng ra thành dịch vụ đặt thức ăn, giao hàng, thanh toán, và thậm chí là đặt phòng khách sạn. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay công ty nhỏ ấy đã “vươn mình” trở thành một siêu ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu và là công ty công nghệ di động lớn nhất Đông Nam Á. 

Với những nỗ lực của Grab và đội ngũ lãnh đạo, Grab Việt Nam đã vinh dự được vinh danh ở cả hai hạng mục “Lãnh Đạo Xuất Sắc 2021” và “Nhân Sự Xuất Sắc 2021” trong chương trình Chứng nhận Vietnam Excellence 2021. Ngoài ra, vào tháng 10/2021, Grab cũng vừa nhận được giải thưởng “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á 2021” của tạp chí HR Asia vì có chính sách nhân sự vượt trội, chế độ đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc linh hoạt.

 

Và nổi bật trong các thương hiệu con của Grab là GrabFood – một dịch vụ giao nhận thức ăn. Mặc dù chỉ mới được triển khai từ tháng 6/2018 và không phải là ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng GrabFood đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường một cách hiệu quả và trở nên tiêu biểu trong ngành Food Delivery. Với GrabFood, Grab mang tham vọng sẽ trở thành dịch vụ giao đồ ăn “dẫn dầu đường đua”, tạo ra những ảnh hưởng tích cực cho mọi người và môi trường. 

 

YẾU TỐ TẠO NÊN THÀNH CÔNG CỦA GRABFOOD

Không chỉ là một ứng dụng đặt đồ ăn, GrabFood còn mang trong mình sứ mệnh giúp người dân Việt Nam có thể thưởng thức trọn vẹn món ăn yêu thích cũng như muốn nhắn nhủ mọi người rằng dù có bộn bề với cuộc sống đến đâu cũng hãy nhớ đừng bỏ bữa. Với những nỗ lực thiết thực nhằm tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cũng như luôn tâm huyết trong việc chăm sóc từng bữa ăn cho mọi người, GrabFood đã dần “chinh phục” và chiếm được nhiều tình cảm từ những khách hàng khó tính. Điều gì đã góp phần tạo nên thành công rực rỡ của GrabFood trong sự cạnh tranh khốc liệt của ngành dịch vụ này? Hãy cùng điểm qua một số yếu tố sau đây để hiểu rõ hơn những “chiến thuật” đã được GrabFood áp dụng trong hành trình chiếm lĩnh thị trường nhé!

Khuyến mãi:

Liên tục ra mắt hàng loạt chương trình hấp dẫn như miễn phí cho đơn hàng dưới 30,000 đồng, miễn phí giao hàng cho đơn hàng trong vòng 5 km,… GrabFood đã đánh trúng tâm lý người dùng và có được một lượng khách hàng ổn định. Có thể nói rằng, GrabFood đã sử dụng chiến lược này một cách thông minh, phù hợp và góp phần tạo nên chỗ đứng vững chắc trong ngành Food Delivery như hiện nay.

Công nghệ:

Công nghệ hiện đại được coi là “chìa khóa vàng” giúp cho Grab vận hành, thu hút và giữ chân khách hàng với mức chi phí rất thấp. Bên cạnh đó, Grab đã đầu tư hàng trăm triệu đô vào ví điện tử Moca. Việc bổ sung thêm phương thức thanh toán tích hợp cho phép Grab tạo nên một hệ sinh thái đầy đủ, không chỉ hiệu quả hơn về mặt chi phí mà còn tạo sức đề kháng, đề phòng các đối thủ cạnh tranh, tốt hơn nhiều so với một ứng dụng chỉ cung cấp một dịch vụ duy nhất là giao thức ăn.

Chiến dịch truyền thông:

Hầu hết các chiến dịch truyền thông của GrabFood đều đạt được những thành tích đáng nể, giúp GrabFood nâng cao độ phủ sóng của thương hiệu và xây dựng được hình ảnh một ứng dụng gần gũi với khách hàng.

Vào tháng 5 năm 2019, GrabFood đã triển khai chiến dịch Món “Độc” Quán Quen. Nhãn hàng lựa chọn các Influencer đến từ nhiều lĩnh vực, với mục tiêu là tăng độ nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng trải nghiệm những món “độc” trên GrabFood.

Trong các chiến dịch truyền thông của GrabFood, không thể không nhắc tới chiến dịch TVC triệu view “Đừng bỏ bữa” gồm 3 TVC chính: “Đừng bỏ bữa”, “Trời có mưa, cũng đừng bỏ bữa”, “Có thực mới vực được “Cô Vy”. TVC đầu tiên “Đừng bỏ bữa” đã thu được 18 triệu lượt xem trên YouTube, 32,9 nghìn lượt react, 1,7 nghìn comment và 3,1 nghìn shares trên Facebook. 

 

CHIẾN DỊCH TVC TRIỆU VIEW: “ĐỪNG BỎ BỮA”

Đối với những đứa con xa nhà, những người quay cuồng trong công việc, cuộc sống, một bữa ăn nhà thật chất lượng chắc hẳn là một điều khá xa xỉ. Hiểu được tâm tư đó, GrabFood luôn không ngừng nỗ lực mang đến cho mọi người những bữa ăn đúng nghĩa và đúng lúc, để không một ai phải “bỏ bữa”.

TVC “Đừng bỏ bữa” chính là một lời dặn dò về giá trị và ý nghĩa của những bữa ăn – cũng là lời hứa chăm sóc khách hàng của GrabFood. TVC “Đừng bỏ bữa” của GrabFood đã thành công trong việc thu hút truyền thông và trao gửi thông điệp “đừng bỏ bữa” như một lời nhắn nhủ hết sức trìu mến, làm ấm lòng người xem. 

“Đừng bỏ bữa” là một thước phim ngắn kể về một ngày của anh shipper GrabFood, mở đầu bằng lời dặn vô cùng thân thương của người mẹ đi theo anh từ những năm tháng đại học: “Làm gì thì làm, đừng bỏ bữa.” Tiếp xúc với nhiều kiểu người khiến anh nhận ra đôi khi người đủ đầy nhất lại là người thường xuyên bỏ bữa nhất, là người cần được chăm sóc nhất, đôi khi món ăn đặt ngay bên cạnh nhưng người ta vẫn “bỏ bữa”. Đối với anh shipper, mỗi món ăn mang trong mình một thông điệp đắt giá. Công việc giúp anh thấu hiểu được nhiều giá trị trong cuộc sống và phần nào giúp cho người khác “đừng bỏ bữa”.

Những gia vị tạo nên một TVC thành công

Gia vị thứ nhất: Cái hay nằm trong cái “thực”

Cái hay của “Đừng bỏ bữa” không nằm ở một ngôi sao hạng A, ở một influencer có sức ảnh hưởng, mà nằm ngay trong cái chân thực, bình dị nhất. Nhân vật chính xuyên suốt TVC là một anh tài xế chạy GrabFood với ngoại hình và tâm tư giản đơn, bình dị. Những nhân vật trong TVC đều là những người dân bình thường: chủ tiệm tạp hóa, nhân viên văn phòng, thanh niên tình nguyện, người vô gia cư,…

 

Những vị khách hàng trong “Đừng bỏ bữa” vừa “thật” lại vừa đa dạng trong tính cách, công việc, hoàn cảnh và cả lý do đặt GrabFood: vì quá bận rộn với công việc, vì bận chăm sóc người thân, vì thời tiết không chiều lòng người, hay đơn giản vì muốn đem lại bữa cơm đủ đầy cho một mảnh đời cơ nhỡ,… Chắc hẳn rằng người xem sẽ thấy hình bóng của mình ở đâu đó trong các nhân vật ấy. 

 

Gia vị thứ hai: Chữ “tình” đằng sau “Đừng bỏ bữa”

Ở trong thời đại mà con người đang quay cuồng trong cuộc sống riêng của mình, mối quan hệ giữa người với người cũng từ đó bớt gắn kết hơn. Chữ “tình” trong “Đừng bỏ bữa” được thể hiện qua cách đối đãi đầy thân thương với nhau của con người ở chốn Sài thành. Chữ “tình” tồn tại trong bữa ăn sum vầy cùng gia đình, trong ly trà sữa gửi gắm yêu thương từ phương xa, trong một bữa tối từ một người xa lạ, hay đơn giản chỉ là trong câu chúc ngon miệng của anh tài xế. Tất cả những hành động đầy quan tâm, cảm thông, những cử chỉ dù nhỏ nhưng chứa đựng sự ấm áp ấy càng khiến cho người xem xúc động.

Gia vị thứ ba: Sự tận tâm đặt trong từng thước phim

Để tạo nên một chiến dịch quảng cáo thành công thì việc truyền tải nội dung câu chuyện thôi là chưa đủ. Trong câu chuyện đó còn cần có sự hiện diện một cách tự nhiên, không phô trương của sản phẩm, nhãn hàng, cần lồng ghép khéo léo tinh thần, thông điệp mà nhãn hàng muốn gửi gắm.

Thông qua TVC “Đừng bỏ bữa”, GrabFood đã khắc hoạ thành công một đặc điểm nổi bật của nhãn hàng là tinh thần chu đáo và tận tâm vì khách hàng. Điểm khác biệt của GrabFood nằm ở việc không cần hô những slogan “đao to búa lớn”, mà cái tinh thần ấy được thể hiện thông qua những cử chỉ tuy nhỏ nhưng đầy tinh tế, thông qua sự thấu hiểu của nhân vật anh tài xế. 

Bài viết dựa trên quan điểm của Margroup, có tham khảo qua các nguồn thông tin bên dưới.

LỜI KẾT

Đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của GrabFood chính là những chiến dịch truyền thông hiệu quả và đánh trúng tâm lý người tiêu dùng. Nổi bật trong đó là Series “Đừng bỏ bữa” – chiến dịch TVC triệu view của GrabFood đã góp công lớn trong việc đem thương hiệu và thông điệp của GrabFood đến gần hơn với khách hàng. Hãy cùng Margroup tìm hiểu về hành trình xây dựng thương hiệu của Grab và nếm thử những “gia vị” tạo nên sự viral của TVC “Đừng bỏ bữa” qua bài viết dưới đây nhé!

Người viết: Uyên Thư, Xuân Liên

Thiết kế: Xuân Trà, Tuấn Thanh

Nguồn:

diendandoanhnghiep, vietdata, thefacevietnam, advertisingvietnam, cukcuk

banner web

KOC LÀ GÌ? XU HƯỚNG ĐANG DẦN THAY THẾ VỊ TRÍ CỦA KOL?

Năm 2021 vừa qua đã chứng kiến hàng loạt các khủng hoảng truyền thông từ những ngôi sao có tầm ảnh hưởng lớn, điển hình như những bê bối xung quanh câu chuyện “Sao kê”. Khi người tiêu dùng và các nhãn hàng mất dần niềm tin vào những chiến dịch quảng cáo từ các KOLs thì cũng là lúc các Micro Influencers, hay KOCs dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường Influencer Marketing. Vậy, KOCs là gì và phải hiểu sao cho đúng về sự chuyển dịch từ KOL sang KOC Marketing? Hãy cùng Margroup khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!

KOC LÀ GÌ?

KOCs (Key Opinion Customers) là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua hàng trên thị trường thông qua việc liên tục thử nghiệm và chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm, dịch vụ đến các nhóm khách hàng tiềm năng.

Kênh TikTok của Hứa Phương Ngân là một ví dụ của mô hình tiếp thị qua KOCs vô cùng thành công trên nền tảng Tiktok. Bắt đầu ra mắt những video đầu tiên từ 5/2021, tiktoker Nganhuahihi trở nên nổi tiếng nhờ những video với nội dung chia sẻ các mẹo hay phục vụ cho công việc học tập và trong cuộc sống. Đến nay, Hứa Phương Ngân cũng đã đạt được chỗ đứng nhất định trong cộng đồng reviewers tại Việt Nam với hơn 2.3 triệu người theo dõi và 44.5 triệu lượt thích. Mỗi video đăng tải của tiktoker này trung bình thu hút hàng triệu lượt xem, những video thịnh hành nhất của cô có thể đạt tới con số hơn 12 triệu lượt xem. 

REVU – một nền tảng số đóng vai trò là cầu nối giữa công ty quảng cáo và reviewers – cũng đã từng ghi nhận những kết quả tăng trưởng truyền thông đáng kinh ngạc khi hợp tác cùng KOC Hứa Phương Ngân (Nganhuahihi). Cụ thể, số lượng truy cập vào website chính thức của nền tảng này tăng xấp xỉ đến 30.000 traffic chỉ sau 24 tiếng. Bên cạnh đó, số lượng chuyển đổi của nền tảng REVU tăng cao nhất đến 30% từ khi nganhuahihi đăng content trên TikTok. Trong 1 tháng tiếp theo, lượng chuyển đổi vẫn tiếp tục ổn định từ 10-20%.

Bên cạnh Hứa Phương Ngân, còn có thể điểm qua hàng loạt các đại diện KOCs có tên tuổi, được số đông người tiêu dùng tin tưởng theo dõi như: Kiên Review (lĩnh vực hàng tiêu dùng), Võ Hà Linh (lĩnh vực làm đẹp), Duy Thẩm (lĩnh vực công nghệ), Bếp Trưởng Review (lĩnh vực ẩm thực),…

Như vậy, có thể thấy, mặc dù mô hình tiếp thị qua KOCs vẫn còn khá mới mẻ, nhưng lại chứng tỏ được vị thế và tiềm năng phát triển vô cùng triển vọng trên thị trường Influencer Marketing. 

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA KOCS VÀ KOLS

KOLs là một cá nhân hoặc tập thể có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, họ có khả năng điều hướng dư luận và chuyên môn ở một lĩnh vực nào đó một cách hiệu quả. Để phân biệt được sự khác nhau giữa KOC và KOL, chúng ta có thể dựa vào một số tiêu chí như sau:

Mức độ chủ động

Thông thường, các nhãn hàng, thương hiệu sẽ là phía tìm kiếm thông tin, liên hệ với các KOLs để nhận báo giá và trả tiền hoặc cung ứng sản phẩm để họ quảng bá cho sản phẩm hoặc dịch vụ. 

Trong khi đó, các KOCs thường có sự chủ động hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm. KOCs trước hết sẽ đứng ở vị trí của người tiêu dùng để trải nghiệm, xem xét những sản phẩm mà họ quan tâm. Sau đó, KOCs sẽ tiến hành đánh giá sản phẩm và nhận được chi phí hoa hồng từ phía nhãn hàng.

Quy mô khán giả

KOL được đánh giá, phân loại dựa trên số lượng followers. Influencer có khoảng từ 10.000 đến 1 triệu người theo dõi hay còn gọi là macro-influencers. Cấp bậc 2 có từ 5.000 đến 10.000 người theo dõi hay còn gọi là micro-influencers và những Influencer nhỏ cấp bậc 3 có khoảng từ 1.000 đến 5.000 người theo dõi là nano-influencers. 

Đối với KOC, lượng followers không phải yếu tố quyết định. Trên thực tế, các KOC có lượng followers thấp hơn KOL. Tuy nhiên, những nhận xét khách quan của KOC thường tác động hiệu quả hơn đến khách hàng vì những trải nghiệm và tính chân thật trong đánh giá của họ.

Tính chuyên môn

KOLs đòi hỏi phải là những người có chuyên môn, kiến thức sâu rộng về sản phẩm và lĩnh vực cần quảng cáo để có thể dẫn dắt người tiêu dùng. Chẳng hạn, khi nhắc đến lĩnh vực mỹ phẩm và làm đẹp, một cái tên KOL không thể không nhắc đến chính là beauty blogger Changmakeup. Bắt đầu sự nghiệp review sản phẩm làm đẹp vào khoảng tháng 3/2015, tính đến nay, nữ blogger này đã đăng tải hơn 200 video trong lĩnh vực này, rất nhiều trong số đó được đầu tư công phu, chi tiết và luôn cập nhật những xu hướng mới nhất trên thị trường. Năm 2016, cô còn ra mắt thương hiệu mỹ phẩm của riêng mình với tên gọi OFÉLIA. Với hơn 1,2 triệu người theo dõi trên Youtube, Changmakeup đã trở thành một điểm đến mà bất cứ cô gái nào cũng sẽ muốn ghé qua trước khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp cho bản thân.   

Ngược lại, các KOCs đứng trong tâm thế là người đi mua hàng và đưa ra những đánh giá chủ quan về sản phẩm và dịch vụ. Dù vậy, họ vẫn dễ dàng có được lòng tin từ khách hàng vì những hành vi mua sắm, lựa chọn, trải nghiệm và đánh giá sản phẩm thường không bị chịu sự chi phối từ bất kỳ nhãn hàng, thương hiệu nào. 

Mục tiêu khi sử dụng KOC và KOL trong chiến dịch Influencer Marketing

KOLs phù hợp với những brand trung và cao cấp với hình ảnh thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng. KOLs thường được sử dụng khi các chiến dịch ra mắt sản phẩm mới cần độ phủ sóng rộng rãi. Không những thế, KOLs còn là sự lựa chọn của các nhãn hàng, thương hiệu khi cần đại sứ thương hiệu, gương mặt thương hiệu theo các mùa lễ.

Khác với KOLs, các KOCs thường là sự lựa chọn cho những chiến dịch quảng bá nhằm tăng niềm tin và nhận thức từ khách hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi, tăng doanh số trong thời gian ngắn. KOCs phù hợp với đa dạng sản phẩm từ bình dân đến trung cấp, tuỳ vào nội dung của KOCs mà xem xét, lựa chọn sản phẩm hoặc ngành hàng phù hợp.

XU HƯỚNG CHUYỂN DỊCH TỪ KOL SANG KOC MARKETING

Xu hướng thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi

Trong những năm gần đây, thị trường KOL Marketing đang dần trở nên bão hòa khi một lượng lớn các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn đang liên tục áp dụng mô hình này cho các chiến dịch truyền thông của họ. Thêm vào đó, một loạt các khủng hoảng truyền thông của các ngôi sao lớn vào khoảng cuối năm vừa qua cũng đã khiến khách hàng ngày càng thận trọng hơn trước các quyết định mua hàng của bản thân. Họ dành nhiều thời gian vào quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về cả ưu và nhược điểm của một sản phẩm, dịch vụ trước khi ra quyết định mua hàng hay sử dụng dịch vụ đó, thay vì tin tưởng hoàn toàn vào các đề xuất trải nghiệm từ các KOLs. 

Chính vì thế, sự xuất hiện của mô hình tiếp thị KOC Marketing là tất yếu và là giải pháp chuyển đổi mà doanh nghiệp có thể cân nhắc cho chiến lược tiếp cận khách hàng mục tiêu và thúc đẩy doanh thu trước bối cảnh chuyển dịch hành vi tiêu dùng như hiện nay. 

Những lợi thế mà KOCs mang lại cho doanh nghiệp

Tiết kiệm chi phí cho chiến dịch truyền thông: 

Khi hợp tác KOLs, khoản chi phí mà nhãn hàng phải chi trả phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng của KOLs đó. KOLs càng nổi tiếng, càng có nhiều người theo dõi thì chi phí phải trả càng cao. Ngoài ra, các chi phí phát sinh khác trong việc sáng tạo nội dung, hình thức thể hiện hay các ấn phẩm truyền thông đi kèm cũng không phải là con số nhỏ.  

Còn đối với hình thức KOC Marketing, nhãn hàng chỉ cần chi trả một khoản hoa hồng nhỏ trên mỗi đơn hàng thành công. Chẳng hạn, đối với chương trình Affiliate Marketing của Shopee, hãng này sẽ chi trả một khoản hoa hồng tương đương từ 7-20% khi thu hút được khách hàng mới và 2-6% đối với khách hàng mua lại, quy đổi ra mức chi phí tối đa chỉ khoảng 15.000 đồng cho mỗi đơn hàng thành công. 

Thể hiện sự tăng trưởng một cách minh bạch:

Mô hình tiếp thị qua KOLs chỉ có thể cam kết hiệu quả về mức độ phủ sóng của thương hiệu hay chiến dịch, được đo lường bằng những chỉ số tương tác như lượt tiếp cận, lượt thích, bình luận,… Những chỉ số này mang theo rủi ro của một số hình thức gian lận, làm giả các thông số tương tác, đồng thời khó có thể được chuyển đổi thành doanh thu thực sự để đánh giá được mức độ tăng trưởng doanh số mà chiến dịch tiếp thị mang lại. 

Trong khi đó, KOCs chỉ nhận được hoa hồng khi khách hàng đã thực hiện giao dịch mua hàng thành công. Vì thế, nhãn hàng có thể thu thập, tổng hợp các chỉ số đắt giá, mang nhiều ý nghĩa như tổng lượng đơn hàng, doanh thu. Từ những số liệu đó, thương hiệu sẽ đánh giá được hiệu quả của chiến dịch truyền thông một cách chính xác và trực quan hơn. 

Sau đây là một ví dụ cụ thể về mức độ hiệu quả của mô hình tiếp thị qua KOCS. Sau một tháng thực hiện chiến dịch với hơn 10 KOCs tại cùng một thời điểm, một nhãn hàng trên nền tảng Onseller ghi nhận mức doanh thu 101.3 triệu chỉ riêng trên nền tảng Facebook, tương ứng với tỉ lệ chuyển đổi 4,60%. So với các hình thức thúc đẩy doanh thu khác như quảng cáo hay bán hàng trực tiếp, đây là một con số tương đối ổn.

Xây dựng quan hệ khách hàng một cách bền vững:

Năm 2021 vừa qua đã chứng kiến một loạt các khủng hoảng truyền thông từ các người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng lớn trong giới showbiz Việt. Người tiêu dùng cũng dần mất niềm tin và tỉnh táo hơn trước những chiến dịch quảng bá của những KOLs mà các thương hiệu đã “chọn mặt gửi vàng”. 

Về phía KOCs, quá trình họ chọn sản phẩm, trải nghiệm và chia sẻ nhận xét, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ không bị phụ thuộc vào bất kỳ tác động từ bên thứ ba nào. Họ không đưa ra những lời khen một chiều đơn thuần, mà bằng vốn kinh nghiệm và chuyên môn cá nhân của bản thân, họ đưa ra những đánh giá chân thật và đa chiều về sản phẩm, dịch vụ. Không những thế, KOCs còn phân tích và so sánh các dòng sản phẩm có mặt trên thị trường với nhau, vừa góp ý cho nhãn hàng nhưng cũng đồng thời hướng dẫn người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.

Đâu sẽ là giải pháp hiệu quả hơn cho chiến dịch truyền thông? 

Mặc dù đang là xu hướng mới, mang lại nhiều giá trị cho nhãn hàng hơn các hình thức Influencer Marketing cũ, mô hình tiếp thị qua KOCs lại yêu cầu triển khai với một lượng lớn KOCs cùng lúc. Điều này gây khó khăn cho nhãn hàng trong quá trình lên kế hoạch triển khai chiến dịch một cách bài bản và đòi hỏi thương hiệu phải có một phương thức quản trị hiệu quả để có thể quản lý hàng chục, thậm chí hàng trăm KOCs tại cùng một thời điểm. 

Như vậy, sẽ rất khó để có thể khẳng định rằng liệu giữa KOL và KOC Marketing, phương pháp nào là vượt trội hay có thể mang lại hiệu quả tuyệt đối cho thương hiệu khi triển khai chiến dịch Influencer Marketing.

Lời khuyên tốt nhất cho doanh nghiệp và những người làm Marketing là cần phải biết lựa chọn sử dụng phương pháp Influencer Marketing hợp lý nhằm truyền tải hiệu quả thông điệp và tối ưu hóa chi phí cho chiến dịch truyền thông. Bất kể là KOLs hay KOCs, công thức luôn là việc kết hợp đúng giữa người có ảnh hưởng phù hợp, đối tượng khách hàng mục tiêu, giá trị cốt lõi và thông điệp tích cực muốn truyền tải từ thương hiệu và các kênh phân phối.

LỜI KẾT 

KOCs đang trở thành một xu hướng mới và hứa hẹn sẽ còn phát triển bùng nổ trong thời gian tới với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các sàn giao dịch thương mại điện tử và sự chuyển dịch hành vi mua hàng trực tuyến của người tiêu dùng. Chính vì thế, việc trang bị cho bản thân những kiến thức sâu rộng về mô hình KOC Marketing có thể sẽ là chìa khóa giúp các Marketers giải thành công bài toán tối ưu hóa hiệu quả truyền thông cho doanh nghiệp. 

Người viết: Ngọc Đạt, Xuân Liên.

Thiết kế: Việt Hằng.

Nguồn: Advertising Vietnam, Marketing AI, Brands Vietnam, REVU.